HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Bác Hồ với chí sĩ Phan Kế Toại

Bác Hồ với chí sĩ Phan Kế Toại
Nhờ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều nhân sĩ, trí thức, quan lại trong triều đình cũ, trong Chính phủ của Trần Trọng Kim, trong đó có Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, đã đi theo cách mạng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm, giao nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước.
Ông Phan Kế Toại sinh năm 1892, quê tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Tây. Xuất thân trong một gia đình quan lại, thuở nhỏ, Phan Kế Toại học tại Hà Nội, sau vào học Trường Hậu bổ. Từ năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp). Lúc ấy, Nguyễn Ái Quốc, một người Việt yêu nước, đã có mặt tại thủ đô Pháp. Phan Kế Toại có hỏi Nguyễn Ái Quốc: "Theo ý anh, tôi có nên học trường này không?" Nguyễn Ái Quốc nói: "Tôi cũng muốn xin vào học trường này, nhưng Tây không cho. Tôi muốn có kiến thức để sau này làm được việc gì cho đất nước. Tôi nghĩ rằng anh nên theo học. Sau này, lúc cần, tôi sẽ tìm anh".
Năm 1914, ra trường, Phan Kế Toại được bổ làm tri huyện và quá trình quan lộ của ông ngày một thăng tiến. Năm 1941, Phan Kế Toại giữ chức Tổng đốc Thái Bình. Năm 1944, lúc còn làm Tổng đốc Thái Bình, Phan Kế Toại đã hướng về Bác Hồ bằng việc ủng hộ Việt Minh một tín phiếu 500 đồng bạc Đông Dương, giao cho ông Nguyễn Công Liệu lúc đó là cán bộ Việt Minh.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Chính phủ Trần Trọng Kim cử Phan Kế Toại giữ chức Khâm sai Bắc Bộ. Đến tháng 7/1945, ông xin từ chức Khâm sai. Nhưng đến ngày 17/8/1945, chỉ còn hai ngày nữa Cách mạng tháng Tám sẽ bùng nổ, Phan Kế Toại mới nhận điện từ triều đình Huế cho phép từ chức. 10 giờ đêm hôm ấy, trước khi rời Bắc Bộ Phủ, Phan Kế Toại cho gọi một bảo an binh Nguyễn Sỹ Là và chánh quản Lại đến phòng họp và ra lệnh: "Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến công". Và 9 giờ sáng ngày 19/8/1945, đoàn thể quần chúng kéo đến vây quanh Bắc Bộ Phủ. Chỉ 5 phút, đã có lệnh cho mở cửa. Rõ ràng, nhờ "nội ứng" của Phan Kế Toại mà lực lượng cách mạng chiếm Bắc Bộ Phủ không tốn một viên đạn nào.
Từ chỗ không tin Nhật, nên khi bị người Nhật ép buộc đi biểu dụ dân chúng nhổ lúa trồng đay và nộp thóc cho Nhật, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã cáo ốm.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phan Kế Toại đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Minh cướp chính quyền êm thấm tại Hà Nội và các tỉnh thuộc Bắc Bộ.  
Thực hiện lời hẹn "sẽ tìm anh" 26 năm về trước, năm 1947, trong khi thực dân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, Hà Nội, Phan Kế Toại đang sơ tán ở Thanh Lũng, Sơn Tây thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người mang thư mời Phan Kế Toại lên chiến khu Việt Bắc tham gia Chính phủ. Sau khi đọc xong thư, Phan Kế Toại cảm động, nói với hoạ sĩ Phan Kế An, con trai mình: "Cụ Hồ quả đúng là con người đức độ, trước sau nhất quán".
Trọng trách đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Phan Kế Toại là quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1947). Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Phan Kế Toại làm Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng tối cao do chính Bác Hồ làm Chủ tịch (1948), rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1951). Ngày 20/9/1955, Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 1955-1961. Năm 1961, Phan Kế Toại về hưu, đến năm 1992, ông mất tại Hà Nội, thọ 100 tuổi.  
Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Phan Kế Toại thực thi lòng yêu nước. Những cống hiến của Phan Kế Toại cho đất nước được đánh giá cao. Đức độ của Phan Kế Toại mãi mãi được nhân dân ghi nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét